Động Trung Trang thuộc hang ngầm cổ, cách trung tâm du lịch Cát Bà khoảng 12km, cách trung tâm Vườn Quốc Gia Cát Bà 1km về phía nam trên đường đi thị trấn Cát Bà. Đây là một trong những hang động lớn nhất, tiêu biểu cho quần thể hang động trong khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, là một điểm du lịch hấp dẫn, hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan. Động Trung Trang cùng với một số các hang động khác được tìm các vết tích của người Việt cổ cư trú trên đảo cách đây khoảng trên 6000 năm như di chỉ Cái Bèo, hang Eo Bùa, hang Tiền Đức,..
Động Trung Trang mang nhiều sắc thái và tên gọi khác nhau, dân cư địa phương có tên gọi là hang Dơi vì có hàng nghìn con dơi với nhiều loài dơi khác nhau sinh sống trong động. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, động được một đơn vị thông tin của bộ tư lệnh hải quân sử dụng động để điện đài và đóng quân nên động còn có tên gọi khác là hang Hải quân.
Động Trung Trang được hình thành cách đây hàng chục triệu năm, quá trình đứt gãy của các đới kasrt đá vôi, quá trình nâng lên, hạ xuống của thủy triều tạo ra những dòng chảy ngầm qua các khu vực đứt gãy, đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi, tạo ra hang động có chiều dài khoảng 300 m xuyên qua lòng núi với hàng ngàn vạn thạch nhũ với muôn vạn hình dạng kỳ thú khác nhau.
Nhũ đá được tạo thành từ cacbonat canxi (CaCO3) và các khoáng chất khác kết tụ từ dung dịch nước khoáng. Đá vôi là đá chứa cacbonat canxi bị hòa tan trong nước có chứa khí cacbonic tạo thành dung dịch Hidroxit canxi (CaHCO3). Dung dịch này chảy qua kẽ đá cho đến khi gập vách đá hay trần đá và nhỏ giọt xuống. Nhũ đá “lớn” lên với tốc độ 0,13 mm một năm. Các nhũ đá “lớn” nhanh nhất là những nơi có dòng nước dồi dào cacbonat canxi và CO2 , tốc độ lớn có thể đạt 3mm mỗi năm. Mọi nhũ đá đều bắt đầu với một giọt nước chứa đầy khoáng chất.
Khi giọt nước này rơi xuống, nó để lại phía sau một vòng mỏng nhất chứa canxi. Mỗi giọt tiếp theo được hình thành và rơi xuống đều ngưng tụ một vòng canxi khác. Cuối cùng, các vòng này tạo thành một ống rỗng rất hẹp (0,5mm), nói chung gọi là nhũ đá, các nhũ đá có thể mọc ra rất dài, nhưng dễ gãy.
Nếu chúng bị bít lại bởi mảnh vụn, nước bắt đầu chảy ở mặt ngoài, ngưng tụ nhiều canxi hơn và tạo thành nhũ đá hình nón quen thuộc hơn. Cùng các giọt nước này rơi xuống từ đàu của nhũ đá ngưng tụ nhiều canxi hơn trên nền phía dưới, cuối cùng tạo thành măng đá thuôn trong hay hình nón. Khi có đủ thời gian, các dạng hình thành này có thể nối liền nhau để tạo thành các cột đá.
Bước chân vào cửa động, du khách không chỉ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp tuyệt vời, và sự kiến tạo lạ kỳ của thiên nhiên mà còn được biết đến một câu chuyện truyền thuyết về đảo Cát Bà và động Trung Trang. Chuyện kể rằng khi xưa, Cát Bà là một quần đảo xinh đẹp và cũng là một điểm chiến lược hết sức trọng yếu của nước ta vì thế giặc ngoại xâm nhiều lần đem quân xâm chiếm. Để giữ bờ cõi nước nhà và bảo vệ người dân trên đảo, lúc bấy giờ có Bà Chúa, tương truyền là Bà Chúa Trung Trang, bà đã triệu tập thanh niên trai tráng và các ông ra biển để đánh đuổi quân giặc.
Sau khi đã giúp người dân đánh đuổi được quân thù, Bà Chúa Trung Trang chở về ngự ở hang động này để tu luyện và bảo vệ che trở cho người dân trên đảo có cuộc sống bình an. Từ đó nhân dân trên đảo lấy tên bà đặt tên cho động đó là động Trung Trang.
Bước chân vào cửa động, du khách sẽ bắt gặp ngay hình tượng một thiếu nữ đang nép mình vào vách đá. Trên cửa động, du khách còn bắt gặp hình tượng một con Mãng Xà mà tương truyền đây là linh vật được Bà Chúa Trung Trang cho canh giữ cửa động. Đi sâu vào trong cửa động, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và khám phá vô vàn những hình tượng độc đáo của các thạch nhũ mà bàn tay tạo hóa tuyệt vời của thiên nhiên đã kiến tạo nên từ hàng triệu năm như những tác phẩm điêu khắc sống động của nhiều nhà điêu khắc tài ba. Nào là chim đại bàng đánh cắp công chúa trong chuyện cổ tích Thạch Sanh đến những con chim hạc trên mặt trống đồng Đông Sơn hay hình của Rùa đá đen Hắc Quy- quân của Bà Chúa động. Đi cách cửa động khoảng 20m, du khách không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp lung linh kỳ ảo của những măng đá, nhũ đá. Tương truyền rằng nơi đây chính là kho châu báu của Bà Chúa Trung Trang với những cột vàng, cột bạc và kho kim cương óng ánh.
Thú vị hơn nữa khi du khách ngắm nhìn sẽ thấy hình tượng một con Sư tử lông vàng phía dưới mà truyền thuyết kể lại đó chính là thần giữ kho châu báu của Bà Chúa động. Mỗi một hình tượng nơi đây đều gắn với với những câu chuyện, truyền thuyết hấp dẫn ly kỳ khác nhau. Tiếp tục đi sâu vào trong động, du khách sẽ bắt gặp những vòm động rộng lớn với vô vàn thạch nhũ nguy nga, đan xen những đoạn vòm hang nhỏ hẹp tạo cho du khách cảm giác như đi hết từ những mê cung này đến các địa đạo khác. Vào đến giữa động, du khách sẽ được thấy một bản đồ thiên tạo hình dáng đất nước Việt Nam và vị trí, hình dạng của quần đảo Cát Bà. Rồi đến hình ảnh nhũ đá giống như tượng xác ướp người cổ đại, tiếp theo là hồ cá sấu rồi đàn đá với những âm thanh thú vị ngân lên khi du khách gõ vào.
Tiếp tục khám phá, du khách không khỏi ngạc nhiên và muốn tìm hiểu cả đường lên thiên đàng cùng lối xuống âm phủ với hai con đường kỳ bí khác nhau. Một vòm động rộng lớn với nhiều vết tích kỳ lạ như dấu vết bàn chân, bàn tay còn in dấu trên vách động mà tương truyền đây chính là chỗ Bà Chúa động luyện võ công. Tiếp đến là hình ảnh Voọc Cát Bà, một sinh vật mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho quần đảo Cát Bà mà không có bất kỳ nơi nào trên thế giới có được; gần đó là thanh kiếm báu của Bà Chúa động truyền lại cho con cháu ngàn đời sau tiếp tục sự nghiệp bảo vệ bờ cõi và quần đảo Cát Bà tươi đẹp.
Gần cửa động là hình tượng và án thờ Bà Chúa động, xung quanh có voi chầu, xà phục càng tăng vẻ huyền bí, uy nghiêm.
Động Trung Trang không chỉ có những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, giá trị địa chất địa mạo được các nhà hang động học trong nước và quốc tế đánh giá cao mà nó còn là một nơi có hệ sinh thái hang động đặc thù điển hình, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật cũng như ghi những dấu ấn lịch sử của thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, vào những năm 1964 - 1968 động Trung Trang là nơi đóng quân của đơn vị thông tin Bộ tư lệnh hải quân. Trong động còn một số vết tích như bể nước, phòng họp và sinh hoạt văn hóa văn nghệ…để phục vụ cho bộ đội ta.
Bước chân ra khỏi cửa động, du khách sẽ được ngắm nhìn sự đa dạng về thực vật của Vườn Quốc gia bên cạnh con đường mòn đưa du khách đến với hang Ủy ban phía bên kia quả núi để du khách có thể tiếp tục hành trình thưởng ngoạn và khám phá, tham quan Vườn Quốc gia Cát Bà.