Lễ hội truyền thống biển đảo Cát Hải –
Mang mùa xuân về trên quê hương.
Trung Tuyến.
Không chỉ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng, Cát Hải còn là một miền đất có rất nhiều lễ hội đặc sắc. Hệ thống lễ hội cũng là một nét đẹp văn hóa tiêu biểu của vùng đất này.
Ở huyện đảo có rất nhiều lễ hội như lễ hội Làng cá 31/3 gắn với sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo ngày 31/3/1959, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4, khai trương du lịch Cát Bà;
lễ hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng giêng mà chính hội là ngày 12 tháng giêng gắn với sự tích Mẫu Bà - bậc thánh nhân, có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm.
Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng - bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Nam Hải đại vương - vị thần cai quản vùng biển phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, tôm cá bội thu;
hay lễ rước nước, Hội xa mã ở xã Hoàng châu, là dịp để dân làng tưởng nhớ những người đã có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình. Và còn rất nhiều những hội làng được các địa phương tổ chức sôi nổi và hấp dẫn.
Trong tất cả các lễ hội ở huyện đảo thì Lễ hội mang ấn tượng sâu đậm nhất được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến vẫn là Lễ làng cá 31/3 do Huyện ủy, UBND huyện tổ chức. Đây là sự ghi nhớ sự kiện ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cát Hải, Cát Bà để thăm hỏi, động viên bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 31/3 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của huyện đảo và cũng đúng Ngày Truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam 1/4, đồng thời là ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà.
Lễ hội được tổ chức xuyên suốt nửa cuối tháng Ba, gồm 2 phần chính là phần lễ và hội. Phần lễ gồm ba nội dung là: Lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá, khai trương du lịch Cát Bà và lễ cầu ngư ra quân vụ cá Nam. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi gồm biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa vùng miền, giải bóng đá, bóng chuyền, đặc biệt là Hội đua thuyền rồng truyền thống.
Đặc điểm nổi bật trong văn hoá dân gian của người miền biển là ngày hội xuống nước ở các làng chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt thủy sản. Ngày nay, những trò vui chơi, thi đấu trên sóng biển ở đảo Ngọc trở thành một nét văn hoá rất riêng. Đặc biệt, dân đi biển Cát Bà, Cát Hải thường tổ chức đua thuyền rồng khi kết thúc vụ cá Bắc, mở đầu vụ cá Nam. Hình ảnh những chiếc thuyền hình thoi, đầu rồng, sơn son thiếp vàng rực rỡ, trên khoang chở trên 20 thanh niên trai tráng khỏe mạnh, rẽ sóng vươn mình lao vun vút trên mặt biển đã thu hút rất nhiều du khách thập phương. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn là sự khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình bảo vệ và chinh phục biển cả.
Khi đêm về, Cát Bà trong những ngày lễ hội luôn lung linh sắc đèn, kết hợp với những màn pháo hoa đầy màu sắc. Ánh sáng sân khấu hiện đại là những chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề theo từng năm, được tổ chức với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến từ mọi miền, cống hiến cho người xem những bài hát, điệu múa dạt dào, sâu lắng về biển, đảo Cát Bà, Cát Hải thân yêu cùng những giai điệu tình yêu trẻ trung, sôi động để bắt đầu cho mùa du lịch mới đầy khí thế.
Những ngày này, trên khắp huyện đảo đang dấy lên một bầu không khí tươi mới đầy sôi động cho một mùa hội mới. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi động đã diễn ra như hội diễn văn nghệ quần chúng tại khu Đôn Lương; khu Hà Sen với hàng nghìn diễn viên không chuyên tham gia; vòng chung kết giải bóng chuyền nam huyện Cát Hải năm 2024, cùng nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn khác sẽ tạo lên không khí lễ hội sôi động, mang mùa xuân về trên quê hương. Trên các nẻo đường, nhất là tại trung tâm huyện, cờ hoa trang trí rực rỡ sắc màu. Đảo xinh đẹp sẽ tạm thay chiếc áo màu xanh yên bình bằng sắc đỏ của cờ hoa rực rỡ và những dòng người đổ về dự hội.