Lễ hội truyền thống 31/3 được diễn ra hàng năm ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm Làng Cá Cát Bà (31/3/1959), động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thủy sản, ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh cá vụ Nam của ngư dân huyện đảo. Ngày hội lớn mang nhiều ý nghĩa lịch sử diễn ra trọng thể ngay tại vùng đảo Cát Bà.
Mở đầu là lễ Cầu ngư truyền thống của ngư dân vùng biển với những nghi thức truyền thống mang tính tâm linh, thành kính của người dân miền biển. Lễ Cầu ngư là dịp để bà con ngư dân thể hiện sự biết ơn với Thần biển, chư vị Tiên Linh, Sơn thần, Thổ địa, các bậc tiền bối có công hộ quốc, độ trì cho người dân miền biển và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, con người khỏe mạnh, tôm cá bội thu, ngư dân gặp nhiều may mắn, dân chúng được an vui, phát đạt.
Ngay sau lễ cầu Ngư là lễ phát động ra quân khai thác vụ cá Nam và thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động thiết thực hàng năm của huyện đảo Cát Hải nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đảo sáng 31/3/1959 “Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”.
Thả cá giống tạo nguồn lợi thủy sản
Một hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội Làng cá truyền thống là hội thi đua thuyền Rồng trên biển. Mỗi năm, hội đua thuyền được tổ chức với quy mô khác nhau, song về cơ bản nó đều xuất phát từ tính truyền thống lâu đời, nhất là thể lệ cuộc đua. Đua thuyền Rồng trên biển mang ý tưởng chủ đạo là thuyền Rồng từ biển Cát Bà vươn khơi trong thế Rồng Bay của đất nước, nối vòng tay bè bạn, thân ái với mọi miền Tổ quốc. Thuyền Rồng đua trên biển có hình thoi dài 11m, rộng 1,5m được đóng rất kỳ công, mỗi thuyền có từ 22 đến 26 người. Đường đua dài 3km có cắm cờ báo hiệu ở hai đầu, thuyền đua sẽ phải đi 3 vòng, thuyền nào về đích trước sẽ đoạt giải. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình chinh phục biển cả. Việc lựa chọn các tay chèo khỏe, người cầm lái được coi là quyết định sự thắng thua của thuyền, vì họ phải xử lý chính xác lúc vào cua, để cho chiếc thuyền dài hơn chục mét có thể vòng lại nhanh nhất.
Đua thuyền rồng
Ngoài cuộc đua thuyền Rồng diễn ra sôi nổi hào hứng từ phút ban đầu đến phút cuối để tìm ra đội vô địch nhận giải của Ban Tổ chức, Hội còn có các trò thi phối hợp, biểu diễn lướt ván, đua thuyền thúng của cư dân miền duyên hải. Nét mới nữa trong Lễ hội làng Cá Cát Bà là các cuộc đua thuyền Rồng của các đấu thủ nữ trong khoảng thời gian 30 phút, hết sức sôi nổi, khẩn trương. Đây thật sự là những hoạt động văn hóa thể thao có tác dụng rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn của từng cá nhân trong một tập thể, đồng thời rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp, lòng quả cảm vì màu cờ sắc áo của quê hương.
Sau các hoạt động được tổ chức trong ngày, buổi tối là Chương trình lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Làng cá, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam và khai mạc du lịch Cát Bà. Một thông điệp mới “ Cát Bà điểm hẹn bốn mùa” Cát Bà luôn mở rộng vòng tay đón chào du khách muôn phương đến tham quan và trải nghiệm cả bốn mùa trong năm. Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá và khai mạc mùa du lịch Cát Bà mang một sắc thái riêng gắn với ý nghĩa văn hóa - lịch sử - chính trị to lớn nên được thể hiện bằng nghi thức trang nghiêm, tự hào riêng có của nhân dân vùng biển, đảo. Mỗi một hoạt động đều gắn liền với biển. Phần nghi lễ là sự cầu nguyện cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa cá bội thu. Ở phần hội là những hoạt động, trò chơi mang sắc thái đặc trưng.
Clip đua thuyền rồng