Huyện đảo Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng, gồm một số đảo thuộc quần đảo Cát Bà và Cát Hải, tổng diện tích khoảng 345km2. Huyện lỵ được đặt tại đảo Cát Hải. Huyện đảo Cát Hải bao gồm hai đảo lớn: Cát Hải diện tích xấp xỉ 40 km2 và Cát Bà hơn 300 km2.
Cát Hải ngoài là vùng đất đầy vẻ quyến rũ bởi nét hoang sơ, kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, mà còn lưu giữ hàng trăm di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích cấp quốc gia: nơi Bác Hồ về thăm làng cá, di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và di tích đình chùa xã Hoàng Châu. 8 di tích cấp thành phố: chùa Hòa Hy, đình chùa Gia Lộc, đình miếu Nghĩa Lộ, đình chùa Văn Chấn, đình Trân Châu, đình Phù Long, đồn cổ Xuân Đám, từ đường họ Lê Quang xã Nghĩa Lộ.
Cát Hải còn có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Làng cá gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo ngày 31/3/1959, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, khai trương du lịch Cát Bà; Hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng Giêng mà chính hội là ngày 12 tháng Giêng gắn với sự tích Mẫu Bà – bậc thánh nhân có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm; Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng – bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải đại vương, vị thần cai quản vùng biển phía Đông của Tổ quốc phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu; Hội sa mã ở xã Hoàng Châu là dịp để dân làng tưởng nhớ những người đã có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình… Và còn rất nhiều những hội làng được các địa phương tổ chức sôi nổi, hấp dẫn.
Trong công cuộc đổi mới, Huyện đảo đã tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, thành phố phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, cầu, cảng… khai thác tiềm năng sẵn có phát triển ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi và cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay bộ mặt của huyện đổi thay nhanh chóng, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện. Mỗi năm nơi đây đón 1 triệu khách du lịch, là điểm đến của bạn bè muôn phương.
Đảo chính Cát Bà rộng khoảng 144km2, chỗ cao nhất 331m, là đảo đá vôi lớn nhất trong hệ thống quần đảo phía nam vịnh Hạ Long và vùng ven bờ tây Biển Đông.
Về tài nguyên khoáng sản, ngoài đá vôi, đảo Cát Bà còn có nguồn nước khoáng (xã Xuân Đám có mỏ nước khoáng nóng 38 độ C) có giá trị. Cát Bà có các hệ sinh thái tiêu biểu như: rừng mưa nhiệt đới trên núi đã vôi. rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái hang động, túng áng…Rừng nguyên sinh trên đảo, có đa dạng sinh học cao, đã thống kê được 1595 loài thực vật, trong đó có những loài gỗ quý như kim giao, trai lỳ, chò đãi lát hoa và nhiều cây làm thuốc, như thuyết giác, hương nhu, bình vôi, cốt toái, kim ngân, lá khôi…
Hệ động vật trên cạn có trên 362 loài, gồm khoảng 63 loài thú, 209 loài chim, 58 loài bò sát và 32 loài lưỡng cư; trong đó có 10 loài thú và 6 loài chim quý hiếm như: voọc đầu trắng (còn gọi là voọc đầu vàng), mèo rừng, khỉ đuôi vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, nai, hoẵng, sơn dương, cầy nhông, nhím, trăn gấm, rắn hổ mang chúa, kỳ đã, tắc kè, thạch sùng bay, chim cu gáy, chim đa đa, cu xanh, chim ngói và 2 loài chim nước là vịt trời, sâm cầm…
Đặc biệt, loài đặc hữu voọc đầu trắng duy nhất trên thế giới chỉ còn vài chục cá thể ở quần đảo và đã trở thành biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Sinh vật biển thuộc vùng biển – đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng, với 196 loài cá biển, 658 động vật đáy, 400 loài thực vật phù du, 131 loài động vật phù du, 177 loài san hô, 23 loài cây rừng ngập mặn, 102 loài rong biển, 3 loài cá heo...vv. Trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Sinh vật biển Cát Bà còn có nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu cao như: Trai ngọc, Vẹm xanh, Tu hài, Vích, ốc Đụn đực, cá Ngựa gai, Sam đuôi tam giác, Đồi mồi.