//
wisswatches bonniewatches cheapchinajerseysfree nikenflcheapjerseyschina wholesalechinajerseysfreeshipping cheapjordans1 cheaprealyeezysshoesforsale chinajerseysatwholesale yeezyforcheap watchesbin cheap-airjordans
Giới thiệu chung xã Việt Hải
10/08/2021 963 lượt xem

Việt Hải là một trong 12 xã, thị trấn của huyện đảo với diện tích 6.817 ha, với 90 hộ dân, dân số khoảng 290 người, phương tiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Để đến Việt Hải, có thể lựa chọn một trong hai con đường: một là từ bến Bèo, du khách đi đò hoặc thuê tàu du lịch chở du khách chạy vào vịnh Lan Hạ, chừng 45 phút tàu sẽ cập bến. Tại đây, du khách có thể đi bằng phương tiện xe ôm, xe điện, xe đạp hoặc đi bộ để vào làng. Qua ba đoạn dốc núi, có chỗ đi dưới những tán cây rừng, có chỗ đi qua hang vòm mát lạnh, làng Việt Hải hiện ra lọt thỏm giữa biển khơi, được bao bọc bốn bề là những cánh rừng già và núi đá vôi cao chót vót như hàng trăm kim tự tháp xanh bao bọc bốn xung quanh. Với du khách ưa thích mạo hiểm có thể băng rừng nguyên sinh, xuyên Vườn quốc gia Cát Bà, theo con đường mòn cheo leo qua nhiều dốc đá dựng đứng, những hang núi, khe sâu để đến làng Việt Hải.

Những năm giữa thế kỷ XVIII, Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) tiến hành khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Lê-Trịnh, quần đảo Cát Bà và khu vực Việt Hải có núi rừng hiểm trở được nghĩa quân chọn làm căn cứ hậu cần.

Vào những năm 1885-1889, cuộc khởi nghĩa do Đốc Tít và Tiền Đức chỉ huy chống lại quân Pháp đã chọn Cát Bà làm căn cứ quan trọng. Nghĩa quân đã dựa vào địa hình hiểm trở vùng Trung Trang, Mái Gợ, Trà Báu, Việt Hải để kháng chiến. Lực lượng của Đốc Tít (ở vùng Trại Sơn, Thủy Nguyên) và Tiền Đức ở Cát Bà đã phối hợp tiến hành những trận đánh lớn. Năm 1889, một trận đánh lớn đã nổ ra giữa nghĩa quân kháng chiến và thực dân Pháp, do tương quan lực lượng chênh lệch giữa hai bên, thủ lĩnh nghĩa quân Tiền Đức đã rút vào vùng Việt Hải, sau đó rời khỏi Cát Bà.

Tháng 11/1949, Ủy ban kháng chiến huyện Hà Cát cử lực lượng đến Trà Báu công bố quyết định thành lập xã Việt Hùng, gồm thôn Trà Báu và Tai Lai, thành lập chính quyền xã và các tổ chức khác thuộc xã.

Năm 1959, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập xã Việt Hải (từ xã Việt Hùng trước đây). Vào những năm 1960, thành lập Hợp tác xã Minh Tân, xã Việt Hải, gồm 4 Đội sản xuất, gồm: 2 Đội ở thôn Tai Lai, 1 đội ở Áng Vòng, 1 đội ở Trà Báu.

Khoảng những năm 1930 có hai người Hoa là Lý Gia Nhân và Mạc Tắc Khâm từ Hoành Bồ, Quảng Ninh cùng với 10 tá điền (là người làm mướn trong nông nghiệp ngày trước) để khai phá những cánh rừng mênh mông thành đồng, ruộng tại Tai Lai, Ninh Tiếp và Áng Vòng. Sau này những Tá điền lập gia đình và thành các hộ dân cư sinh sống tại làng Tai Lai.

Cư dân làng Tai Lai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn thả gia súc, gia cầm, khai thác sản vật từ rừng và biển. Vào những năm này dân cư sống rải rác tại áng Vòng, áng Cả, Trà Báu nhưng tập trung ở thung lũng Tai Lai nhiều hơn. Tai Lai là thung lũng lớn nhất (là khu vực dân cư thuộc xã Việt Hải ngày nay) với chiều dài khoảng 1,3 km, chiều rộng bình quân của thung lũng khoảng 300m. Lúc này làng Tai Lai có 12 hộ, Trà Báu có 3 hộ, áng Vòng có 1 hộ dân. Ở khu vực hang Cô Đô (phía Đông thôn Hải Sơn ngày nay) có một số gia đình làm nghề đánh bắt hải sản đến định cư tại làng Tai Lai. Cuộc sống của các cư dân tại Việt Hải xưa rất khó khăn, tự cung tự cấp là chính.

Đến cuối năm 1947, một số gia đình người Hoa ở Tai Lai, Trà Báu truyền truyền nhau rằng nơi họ đang sinh sống thường xảy ra những điềm xấu, điều gở lên đã bỏ nhà cửa lên Phố Cát Bà. Thời điểm đó lính Pháp đang quản lý Phố Cát Bà đã buộc số người Hoa này trở về Hoàng Bồ, Quảng Ninh.

Người Hoa đi khỏi Tai Lai bỏ lại nhà cửa và 02 con trâu cày. Làng Tai Lai chỉ còn lại 02 gia đình người Việt sinh sống. Đến đầu năm 1948, số người Hoa ở Tai Lai và Trà báu đã dời đi hết. Gần 10 hộ gia đình từ quê ở Hải Dương, xã Hoàng Châu (huyện Cát Hải), xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) đang ở Cái Minh Tự đã chuyển vào làng Tai Lai để sinh sống.

Năm 1950, sau khi người Hoa rời khỏi Tai Lai và Trà Báu, Ủy ban kháng chiến đã vận động nhân dân ở các xã khu căn cứ Hà Sen và Làng Hạ trên đảo Cát Bà đến Tai Lai sinh sống, dần dần làng Tai Lai vào những năm 50 của thế kỷ trước có khoảng 30 hộ gia đình. Cũng trong những năm này, có 4 hộ gia đình tản cư từ Hà Nam và Gia Luận đến làng Tai Lai. Ủy ban kháng chiến đã thành lập Ban Kinh tài để hướng dẫn nhân dân tiếp nhận số tài sản của người Hoa để lại, đồng thời tập trung phát triển sản xuất.

Thời điểm những năm 1950, có 2 nhóm dân cư đã chuyển đến Việt Hùng gồm: Trưởng thôn Nguyễn Đình Chiến cùng gia tộc tại xã Phù Long và một số hộ trong cùng gia tộc ở Hòn Gai (thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày nay); Tổ Tân Lập do ông Trần Văn Mễ làm Tổ trưởng từ Tranh Giang, Quảng Yên tản cư ra khu vực vịnh Lan Hạ để tránh bom đạn, do đó số gia đình tại địa bàn xã Việt Hùng thời điểm này khoảng 44 hộ với 200 nhân khẩu. Sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, nhân dân tại xã Việt Hùng bị phân tán, Trưởng thôn Nguyễn Đình Chiến đưa gia đình, gia tộc chuyển về Áng Dài, xã Phù Long. Tổ Tân Lập chuyển đến vịnh Áng Hà (là bến Việt Hải ngày nay), lấy tên là thôn Cô Đô.


 

Tháng 11/1963, theo chủ trương của Thành phố Hải Phòng và Huyện Cát Bà, xã Việt Hải tiếp nhận khoảng 20 hộ gia đình ra đảo xây dựng kinh tế mới từ xã Tràng Cát (nay là phường Tràng Cát, quận Hải An). Các hộ gia đình này là một bộ phận dân cư của xã Việt Hải ngày nay.

Việt Hải còn gọi là xã đảo của đảo, nhiều ngôi nhà trong làng là nhà tranh tre, vách đất được làm bằng rơm với bùn đắp lên những ô nứa mắt cáo thành tường vách che mưa, ngăn gió. Tuy không giữ được nhiều nhưng Việt Hải vẫn còn những ngôi nhà cổ kính nằm im lìm dưới rặng nhãn, vườn na, vườn mít trĩu quả; có những cây mít cổ thụ đã mấy trăm năm tuổi. Những ngôi nhà tranh vách đất này là một hình ảnh điển hình của đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa, mà nay ít làng xã nào còn giữ được. Hiện nay khách du lịch chủ yếu tham quan trong ngày, ít lưu trú qua đêm.

Việt Hải gần như “sạch” với tất cả các loại tệ nạn mà ở đâu đó bên ngoài kia là những vấn đề nhức nhối đang được cả xã hội quan tâm. Tuy ít người, nhưng lại là địa phương nhiều năm không có người sinh con thứ 3; 12 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện.

Du khách có thể dạo bước qua những cánh ruộng, trên con đường làng, thở nhịp thở của núi rừng, của biển cả và có dịp cảm nhận hết được những giá trị của sự mộc mạc, thuần túy này. Với vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên hoang sơ, sơn thủy hữu tình Việt Hải là nơi mang những giá trị về văn hóa, lịch sử thể hiện qua các di tích như Nhà Cũ, Hang Rơi, Đồi Hải Quân…

Một điều đặc sắc nữa, không thể không kể đến là ẩm thực với nhiều món ăn thú vị như rau rớn rừng xào tỏi, cá đồng, Chão Chuộc xào măng, gỏi cá thác, cá song…luôn làm vừa lòng với cả những du khách khó tính nhất.

Nét độc đáo rất riêng ấy, cùng với công tác quảng bá, tuyên truyền, Việt Hải đã trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước. Những năm qua, bình quân hàng năm có trên 20 ngàn lượt khách nước ngoài đến tham quan và cùng trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Mô hình du lịch làng Việt Hải đã dần được hình thành một cách hết sức tự nhiên do chính người dân địa phương làm chủ với ước mơ biến ngôi làng của mình thành một “Đảo du lịch” độc đáo, hấp dẫn.

Dự án “Liên kết xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải” do bộ đội biên phòng Hải Phòng chủ trì với các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch như hệ thống khu nghỉ dưỡng sinh thái, trang trại chăn nuôi các loại động vật có hiệu quả kinh tế cao…Người dân trực tiếp tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách ăn, nghỉ tại nhà và tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Hiện nay, xã đã có nơi đón tiếp du khách, có điểm cung cấp các thông tin cần thiết, điểm truy cập internet, sóng điện thoại di động đã được phủ trên toàn xã. Đặc biệt ở những dòng suối mát lạnh chảy từ những cánh rừng nguyên sinh đến xã, du khách còn được khám phá hoạt động thú vị khi ngâm chân tại đây, những đàn cá nhỏ sẽ đến chăm sóc, massage bàn chân bạn sau quãng đường khám phá thú vị ngôi làng lâu đời này.

Trong các năm từ 2005-2011, xã Việt Hải được Thành phố, Huyện đầu tư những công trình hạ tầng - giao thông như: Trường Tiểu học, Hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, Bến tàu Việt Hải và tuyến đường du lịch dài 1,5 km, Nhà văn hóa xã, mương cấp nước…. Ngày 16/8/2009 xã Việt Hải đón nhận điện lưới quốc gia (đường điện từ thôn Hải Sơn theo tuyến đường rừng đến xã) đã góp phần thuận lợi cho những hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại trong những năm tiếp theo.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Thành phố Hải Phòng, huyện Cát Hải đã tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng: Cảng, bến Việt Hải, sửa chữa, làm mới tuyến đường từ bến Việt Hải đến xã, thiết kế, xây dựng đường hoa và các trạm dừng chân trên đường đi để tạo điểm nhấn tham quan du lịch cho du khách.

Trải qua bao biến cố của thời gian và vượt lên bao lần thiên tai khắc nghiệt, người dân Việt Hải vẫn kiên cường bám làng, giữ đất - giữ cho một vùng quê yên bình với những nét rất riêng của mình.

Cuộc sống rồi đây sẽ đổi thay, nhưng giữa trùng khơi sóng vỗ vẫn còn đó một ngôi làng thuần việt với những giá trị truyền thống đang được người dân cùng các chiến sỹ Biên phòng gìn giữ. Thông tin về một mô hình du lịch cộng đồng độc đáo tại xã Việt Hải đã vang xa như gửi lời chào mời thân thiện tới những du khách gần, xa đến với vùng đất giữa biển khơi này.



Các điểm đến khác
Đỉnh Hải Quân và các tuyến tham quan Đỉnh Hải Quân và các tuyến tham quan
Năm 1965, Hải quân Việt Nam xây dựng trạm Rađa tại đỉnh cao 259 (gọi là đỉnh Hải Quân trên địa bàn xã Việt Hải, cao 259 m so với mặt nước biển), với sự tham gia xây dựng của lính Hải quân và nhân dân xã Việt Hải
Áng Ông Cậm, Trà Báu Áng Ông Cậm, Trà Báu
Áng Ông Cậm là điểm du lịch trên tuyến tham quan các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nằm ở phía Đông – Đông Bắc của quần đảo Cát Bà
Đăng ký nhận bản tin Đăng ký
Liên kết website